Hiển thị các bài đăng có nhãn nghiên cứu công nghiệp. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn nghiên cứu công nghiệp. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

Phỏng vấn công nghiệp số 1: Đặng Hà Thế Hiển và Google Zurich

👆👆👆,

Với series phỏng vấn công nghiệp này, blog muốn đem tới một góc nhìn về văn hoá làm việc ở những công ty khác nhau. Những tác giả hy vọng nâng cao nhận thức của các bạn trẻ về văn hoá làm việc của những công ty khác nhau. Blog sẽ cố gắng kết nối với những bạn quen biết với sự đa dạng về hoàn cảnh để thực hiện phỏng vấn. Những nội dung trong blog này chỉ mang ý kiến chủ quan của cá nhân, không thể hiện quan điểm chính thống của công ty.

    Chào mừng Hiển đã đến blog antechxxx.blogspot.com, và rất hân hạnh được phỏng vấn bạn.

Figure 1: Google, nơi bạn Hiển đang làm việc.

A: Bạn đang làm ở Google, chi nhánh Zurich. Bạn cảm thấy như thế nào về cuộc sống ở thành phố Zurich, Thuỵ Sĩ.
Figure 2: Trung tâm thành phố Zurich, Thuỵ Sĩ với sông Limmat tươi mát.

H: Chào bạn. Mình vừa gia nhập Google Zurich khoảng hơn 1.5 năm nên cũng đang trong giai đoạn tìm hiểu và thích nghi với nơi ở mới. Cho đến nay thì trải nghiệm và cảm nhận của mình về Zurich là khá tốt (so với những chỗ mình đã từng ở và làm việc). Thành phố không quá lớn, cũng không quá nhỏ, gần gũi với thiên nhiên. Zurich hoàn trộn nhiều yếu tố pha lẫn hiện đại và cổ điển, điển hình là kiến trúc và con người, nên có nhiều điều hay để khám phá. Một điều mình đặc biệt thích ở Zurich nói riêng và ở Thụy Sĩ nói chung là có rất nhiều địa điểm tham quan đẹp và dễ đến, dù bạn ở đâu trong Thụy Sĩ. Phương tiện công cộng ở Thụy Sĩ vô cùng tiện lợi. Nếu chán đi trong nước thì mình có thể bắt tàu đến các thành phố khác ở Đức,  Pháp hay Ý vào cuối tuần (Zurich cách Frankfurt 3h tàu, và cách Paris và Milan khoảng 4h tàu).


A: Công việc bây giờ của bạn là gì ở Google? Nếu có thể, bạn có thể cho biết title hiện giờ của bạn.


H: Mình hiện đang là Software Engineer và đang làm trong dự án Google Assistant.


A: Bạn có thể tóm tắt con đường mà bạn đi đến công việc hiện tại ở Google? (Tiểu sử công việc / CV)


H: Mình tốt nghiệp khóa K07, Khoa Học và Kỹ Thuật Máy Tính, đại học Bách Khoa TP.HCM (tốt nghiệp năm 2012). Sau đó mình sang Nauy học thạc sĩ tại Hiof (Østfold University College), một trường nhỏ ở một thành phố nhỏ tên Halden, cách Oslo khoảng 100km về hướng nam. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ năm 2014, mình may mắn được thầy hướng dẫn giới thiệu vào chương trình industrial PhD (50% làm cho trường, 50% làm cho công ty). Công ty mình làm lúc đó là eSmart Systems, một công ty startup nhỏ có trụ sở đối diện trường Hiof. Mình bảo vệ luận văn tiến sĩ vào khoảng tháng 10 năm 2018, và có offer vào Google cũng vào khoảng thời gian đó. Việc mình vào Google cũng xảy ra khá bất ngờ, vì trước khi xong tiến sĩ mình có bàn với thầy hướng dẫn là mình muốn nhận vị trí Assistant Professor tại trường Hiof, vì mình đã phụ trách khá nhiều khóa tại trường và thấy thích việc đi dạy.


Mọi việc chuyển hướng khi một bạn tuyển dụng của Google liên hệ mình vào khoảng cuối tháng 8, hỏi xem mình có muốn phỏng vấn cho vị trí Software Engineer tại Google Zurich không. Mình ban đầu khá bất ngờ và còn nghĩ đó là email rác. Trong trường hợp của mình, toàn bộ quá trình từ buổi phỏng vấn đầu tiên đến khi nhận offer mất khoảng 1.5 tháng. Đầu tiên là một buổi phone screen interview (bạn recruiter hỏi nhanh khoảng 10-15 câu hỏi kỹ thuật căn bản), sau đó là một buổi remote interview (bạn Software Engineer tại Google London hỏi một câu coding interview khoảng 40 phút), và cuối cùng là buổi onsite interview  (5 bài phỏng vấn whiteboard tại Google Zurich). Thường sau khi qua phỏng vấn thì còn có một số buổi team matching để mình gặp team mà mình muốn vào, xem và team có hợp văn hóa với nhau không. Trường hợp của mình thì nhanh hơn, do mình khá ấn tượng với bạn phỏng vấn mình buổi onsite interview đầu tiên. Bạn này làm ở team Google Assistant, nên mình xin vào team đó và được nhận vào luôn.


A: Bạn với tôi đã học ở khoa Khoa Học và Kỹ Thuật Máy Tính, đại học Bách Khoa TP.HCM (HCMUT) thời đại học, sau đó bạn qua POSTECH Hàn Quốc, rồi qua Na Uy học PhD. Bạn có thể cho biết những điều bạn học được từ những nơi bạn đến học?


H: Mình nghĩ kỹ năng quan trọng nhất mình học được tại Bách Khoa là khả năng đọc sách kỹ thuật tiếng Anh. Phần lớn các môn chuyên ngành đều dùng bản gốc của những tựa sách nổi tiếng trong ngành, nên sau này mình không bị bỡ ngỡ bởi các từ vựng chuyên môn cũng như khái niệm quan trọng. Mình cũng mong sau này các môn đại cương quan trọng như toán và xác suất thống kê cũng có lựa chọn cho sinh viên học bằng sách tiếng Anh, vì sau này mình phải học lại gần như hoàn toàn các môn này.


Khoảng thời gian thực tập tại POSTECH thì mình không học gì nhiều, một phần vì khá ngắn, một phần vì mình cũng xác định sang châu Âu học tiếp nên mình cũng không đầu tư nhiều cho dự án. Mình chủ yếu chờ hết ngày để đi ăn đồ nướng Hàn với mấy anh chị và mấy bạn thực tập sinh khác. Mình cũng rất thích thời tiết tại POSTECH vào thời điểm đó (cuối hè đầu thu), nên sau này mình hay nghĩ về POSTECH như một ký ức vui vẻ và yên bình.


Mình ở Na Uy khoảng 6.5 năm, lâu hơn cả thời gian mình ở Sài Gòn. Thứ mình học được nhiều nhất có lẽ là khả năng tự học. Do trường mình theo học thạc sĩ là trường nhỏ, nên cũng  có ít lựa chọn môn học. Thật sự một phần khá lớn kiến thức mình học được trong quá trình đó là nhờ mình tự học trên Coursera. Vào thời điểm đó Coursera còn rất mới nên phần lớn các khóa giảng viên quay video trong quá trình dạy nên mình có cảm giác học chung với các bạn tại Stanford. Mình hoàn thành hơn 12 khóa học trên Coursera trước khi tốt nghiệp thạc sĩ.


A: Bạn có thể cho biết một sản phẩm (product) hay chức năng (feature) mà bạn tâm đắc, hứng thú nhất trong quá trình làm việc ở Google.


H: Trong Google mình chủ yếu đảm nhiệm vai trò Data Engineer và đôi khi làm ML modelling cho team. Mình khá thích công việc này, vì nó phù hợp với sở thích và background của mình. Mình cũng khá thích Google Assistant và tin vào tiềm năng lớn của dự án. Còn feature mình đang làm chính xác là gì thì mình xin không nói, vì nó còn khá mới và chưa công bố chính thức.


A: Các kỹ sư thường ao ước được làm  ở Google, một trong những công ty thành công và có môi trường làm việc tốt trên thế giới. Google có nhiều sản phẩm thay đổi cuộc sống của hàng tỉ người trên thế giới, và công ty tự hào của nước Mỹ. Bạn có cảm thấy tự hào khi làm việc ở Google?


H: Thật lòng thì mình cũng có một chút tự hào khi vừa gia nhập Google. Nhưng Google là một công ty lớn với gần 120.000 nhân viên (chưa kể nhân viên bán thời gian), nên nếu tính ra thì tầm ảnh hưởng của một bạn làm việc tại một startup nhỏ thành công có thể lớn hơn một kỹ sư trung bình tại Google.


A: Bạn cũng đã làm việc qua nhiều kinh nghiệm khác nhau, nghiên cứu trong lab, đi làm công ty nhỏ, rồi tới Google. Bạn cảm thấy điểm nào về văn hoá làm việc ở Google khác với những công ty trước? Bạn có thích văn hoá làm việc của Google?


H: Điểm khác biệt quan trọng nhất mình thấy là khi làm tại Google bạn phải biết hỏi ai vào lúc nào. Gần như tất cả các vấn đề bạn gặp đều có người nào đó trong Google là chuyên gia hoặc đã từng trải qua, và ai cũng rất sẵn lòng giúp bạn, bất kể bạn là ai đang làm dự án nào. Điều này rất ít thấy ở công ty nhỏ hoặc trong lab, khi mà thường bạn phải làm cùng một lúc nhiều công việc, và thường cũng không ai trong công ty có kinh nghiệm để giúp bạn. Ban đầu mình chưa quen với văn hóa này nên thường tự cố giải quyết vấn đề một mình, nên cũng gây cho mình nhiều trở ngại. Nhưng giờ thì mình cũng thích nghi tốt hơn và rất thích văn hóa mở và minh bạch ở công ty. Trong Google, bạn gần như có thể hỏi bất kỳ ai về việc gì liên quan đến công việc, và ai cũng sẵn lòng trả lời.


A: Bạn cũng từng làm việc trong môi trường học thuật (academic). Những sự thích ứng mà bạn gặp phải khi ra làm việc trong môi trường công nghiệp.


H: Trong academic, thường vấn đề lớn nhất mình thường thấy là hay tự tạo ra vấn đề. Trong công nghiệp, thường giải quyết 90% một bài toán bằng một lời giải đơn giản tốt hơn rất nhiều so với cố gắng giải bài toán 100% nhưng mất gấp đôi thời gian để hiện thực và sau 3 tháng thì ngay cả chính bạn cũng không còn đọc hiểu được giải thuật của chính mình.


A: Tôi nghe nói Googler (nhân viên của Google) rất là thông minh. Bạn có sợ hay mất tự tin phải làm việc với những kỹ sư thông minh ở Google? :-)


H: Imposter Syndrome khá phổ biến trong Google. Mình ban đầu cũng hay mất tự tin, đặc biệt là khi phát biểu trong các buổi meeting lớn. Nhưng lâu dần cũng quen, đặc biệt là khi mình đã làm việc với một bài toán trong thời gian đủ lâu thì mình cũng tự tin dần về hiểu biết và cách nhìn của mình về bài toán đó.


A: Những lúc khó khăn trong lúc làm việc ở Google, bạn sẽ tìm đến ai để tìm sự giúp đỡ hay chia sẻ? 


H: Mình thường chơi Dota2 với một số người bạn thân để xả stress. Ở Google Zurich cũng có hội người Việt (khoảng 6-7 người), lâu lâu mọi người cũng hay gặp nhau tâm sự. Nếu là khó khăn trong công việc thì thường mình trao đổi với manager (cũng là engineer) hoặc tìm xem ai làm về vấn đề tương tự để hỏi.


A: Bạn đã có cơ hội tiếp xúc (trực tiếp hay video conference) với những nhân vật nổi tiếng ở Google mà nổi tiếng trong ngành hay thế giới, ví dụ, Larry Page, Sergey Brin, Sundar Pichai, hay bất cứ ai mà bạn thần tượng trong Google? Bạn có kỷ niệm/suy nghĩ gì về họ không? :-)


H: Mình vào Google khi Larry và Sergey đã không còn giữ vị trí quan trọng trong Google, nên mình không có mấy ấn tượng về họ. Sundar thì không phải là một engineer, nên mình cũng không thần tượng Sundar lắm. Thần tượng của mình (và chắc của phần lớn nhân viên Google) là Jeff Dean, kỹ sư level 11 ở một hệ thống phân hạng có level max là 10. Jeff Dean cũng hay thăm Google Zurich nên mình cũng gặp anh ấy được mấy lần ngoài đời, nhưng chưa từng nói chuyện. Kỷ niệm vui nhất là ngay sau buổi Onsite Interview tại Google Zurich, mình bắt tàu đi thẳng sang trường ETH để nghe một bài thuyết trình của Jeff Dean.


A: Mình cũng có đọc vài paper của Jeff Dean 😊. Team của bạn làm bây giờ có bí quyết gì để duy trì sự đổi mới sáng tạo của team?


H: Trong Google, có khái niệm 20% project, tức là mỗi người có thể dùng 20% thời gian của mình làm bất cứ dự án nào mình thích (có thể tự nghĩ ra, hoặc làm cho team khác). Mình cũng đang làm 20% cho một team khác. Văn hóa, cách làm việc, và cách tiếp cận vấn đề của hai team này khác biệt nhau hoàn toàn, nên mình học được khá nhiều thứ từ cả hai team. Nhiều dự án thành công nhất của Google cũng là từ 20% project (như Google Chromecast), nên mình thấy khá thích policy này.


A: Bạn có lời khuyên gì cho người Việt ra nước ngoài (đặc biệt, được đào tạo trong nước) làm việc trong các công ty công nghệ để hòa nhập môi trường làm việc quốc tế. Tất cả văn hoá làm việc của người Việt đều tốt hay cần phải thay đổi điều gì?


H: Mình thấy nói về văn hóa làm việc của người Việt là khá chung chung và là một khái niệm tương đối nguy hiểm, vì ai cũng có cách làm việc riêng để hiệu quả và phù hợp nhất với tính cách của họ. Mình cũng từng làm việc và tiếp xúc với nhiều Việt, và thấy không thể có kết luận gì về khái niệm này. Tương tự, "môi trường làm việc quốc tế" là một khái niệm mơ hồ, vì mỗi công ty đều có văn hóa và cách làm việc khác nhau. Thậm chí trong Google, mỗi team đều có phông văn hóa rất khác biệt. Mình chỉ có 2 điều muốn nói về chủ đề này. Một là đôi khi bạn phải chấp nhận thay đổi cách làm việc để hòa nhập với team của mình, và điều này có thể xảy ra thường xuyên hơn là bạn nghĩ. Hai là theo cảm nhận của mình, một số tổ chức và công ty ở Việt Nam vận hành theo cách cảm tính và thiếu minh bạch. Điều này làm cho một số bạn làm việc tại đây theo thời gian phải phát triển những kỹ năng tương đối tiêu cực và không liên quan đến nghiệp vụ.


A: Khi đọc blog này, nhiều bạn trẻ sẽ ao ước được làm việc ở Google, hay các công ty công nghệ lớn, hay các công ty thành công nói chung. Bạn có lời khuyên gì cho các bạn mới bước chân vào ngành IT ở Việt Nam?


H: Theo mình kỹ năng quan trọng nhất trong ngành IT có lẽ là kỹ năng tự học, vì ngành này thay đổi tương đối nhanh so với những ngành khác. Bạn cố gắng phát triển khả năng tìm kiếm và đọc hiểu tài liệu tiếng Anh, ngay cả khi bạn chỉ có ý định làm việc trong nước. Theo mình thấy, dù bạn có bận như thế nào cho công việc hiện tại thì cũng nên cố gắng đầu tư ít nhất 20% cho việc học một cái gì đó mới mà bạn nghĩ sẽ cần thiết trong tương lai. Cố gắng đầu tư vào kiến thức và nguyên tắc nền tảng, những thứ vẫn sẽ hữu dụng cho bạn 10-20 năm sau.


A: Tôi nghe nói có nhiều người muốn nghỉ hưu ở Google, vì môi trường làm việc tốt và chế độ đãi ngộ tốt. Bạn có định làm điều này không?


H: Tôi cũng chưa biết trước được. Tuy vậy, thời gian làm việc trung bình tại Google của một kỹ sư là khoảng 3.5 năm, nên tôi không nghĩ là “có nhiều người muốn nghỉ hưu tại Google” như bạn nói :)


A: Bạn có chấp nhận giới thiệu vào Google (referral). Tôi ứng tuyển được chứ? :-)


H: Rất sẵn lòng :)


Rất cảm ơn bạn đã dành thời gian cho bài phỏng vấn với blog.